Mô hình 4C

Xã hội ngày càng có nhiều đổi thay, trong nhiều trường hợp mô hình marketing 4P không còn là lựa chọn tốt nhất thì mô hình marketing 4C dần chiếm lĩnh vị trí hàng đầu. Marketing 4C bao gồm các yếu tố: Customer solution (giải pháp cho khách hàng) – Customer cost (chi phí khách hàng bỏ ra) – Convenience (Sự tiện lợi) – Communication (truyền thông hai chiều). Mô hình marketing 4C tiên tiến hơn mô hình 4P ở chỗ lấy khách hàng làm trung tâm trong chiến lược marketing.

1. Customer solution: Giải pháp cho khách hàng.

Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường phải thực sự là một giải pháp dành cho khách hàng, sản phẩm đó giải quyết được nhu cầu thiết thực của khách hàng chứ không phải chỉ là giải pháp thu lời cho đơn vị kinh doanh. Để làm tốt điều này, doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ nhu cầu của khách hàng để tìm ra giải pháp thỏa mãn chúng.

2. Customer cost: Chi phí khách hàng bỏ ra.

Lượng chi phí khách hàng bỏ ra phải bao gồm cả chi phí sử dụng, vận hàng, bảo hành sản phẩm. Doanh nghiệp cần nghiên cứu để đưa ra giá bán sản phẩm hợp lý sao cho chi phí khách hàng bỏ ra tương xứng với lợi ích mà sản phẩm đen lại.

3. Convenience : Sự tiện lợi.

Doanh nghiệp phải chọn ra cách thức phân phối sản phẩm tiện lợi nhất cho khách hàng. Ví dụ chọn địa điểm mở cửa hàng nên chọn nơi gần bãi đỗ xe, có hệ thống ATM, điểm dừng bus, lắp đặt internet free,…

4. Comunication : Giao tiếp/truyền thông 2 chiều.

Tiếp thị truyền thông phải là quá trình giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp – khách hàng. Doanh nghiệp quảng bá về sản phẩm đến khách hàng – khách hàng phản hồi về ưu/nhược điểm của sản phẩm. Tiếp thu những phản hồi khách hàng để tạo ra Customer solution (giải pháp cho khách hàng) cũng là điều mà mọi doanh nghiệp cần xem trọng. Cần tránh xa các phương thức quảng cáo “nhồi sọ” 1 chiều vì nó dễ gây nên ác cảm. Cần phải cho khách hàng cảm thấy mình được trân trọng và lắng nghe, doanh nghiệp vì họ mà làm nên sản phẩm. Chỉ khi nào khách hàng thấu hiểu và có những trải nghiệm sâu sắc về sản phẩm thì việc truyền thông 2 chiều mới được coi là thành công. Một chiến lước marketing đáng điểm 10 cũng chính là kết quả của quá trình giao tiếp hiệu quả.

Tuy nhiên mọi mô hình vạch sẵn chỉ có tính chất tương đối, bản thân người làm marketing phải thật sự linh động để áp dụng các chiếc lược sao cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, mục tiêu. Trong đó, cần gắn liền lợi ích doanh nghiệp với lợi ích khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm. Chỉ doanh nghiệp nào lấy khách hàng làm tâm điểm của mọi chiến lược hành động thì doanh nghiệp đó mới có thể phát triển lâu dài, bền vững.

Trong cuốn sách Marketing 4.0 có đề cập đến sự chuyển dịch từ 4P sang 4C. 4P trong truyền thống gồm có Product, Price, Promotion, Place. Trong mô hình 4C theo quan điểm Philip Kotler cũng có các yếu tố C tương ứng.

1.Co-creation: Điểm hay ở đây là việc dựa vào kiến thức, trải nghiệm, nhu cầu của cộng đồng để tạo nên nguồn thông tin đầu vào cho các doanh nghiệp. Co-creation có thể dễ nhận thấy nhất ở các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ luôn luôn có một cộng đồng người dùng sử dụng sản phẩm hằng ngày. Họ có kiến thức, có trải nghiệm với sản phẩm nên họ sẽ biết sản phẩm nên cải tiến ở những điểm nào. Từ đó, bộ phận R&D của các doanh nghiệp sẽ dựa vào ý kiến của các cộng đồng đó để cải tiến sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp sẽ có sự chọn lọc những thông tin thực sự hữu ích, nhờ đó họ tiết kiệm được nguồn lực nghiên cứu và phát triển của mình.

2.Currency: Một ví dụ dễ thấy nhất là việc định giá của Uber và Grab. Thông thường, khi đi taxi truyền thống thì dù mưa hay nắng cũng chỉ có một mức giá cố định. Còn định giá của Grab và Uber sẽ linh hoạt theo nhu cầu của thị trường. Nếu cầu lớn hơn cung vào thời điểm nào đó thì giá sẽ bị đẩy lên cao hơn. Tuy nhiên, nhìn vào khả năng linh hoạt của giá chúng ta phải hiểu rằng không phải giá lúc nào cũng tăng, mà đôi khi còn được giảm. Khách hàng được giảm giá trong trường hợp đã sử dụng lâu dài dịch vụ/sản phẩm. Vậy cũng cùng là một loại sản phẩm nhưng được định giá rất linh hoạt, tuỳ theo khách hàng của mình là ai. Chúng ta có thể thấy rõ ràng chi phí đi tìm một khách hàng mới bao giờ cũng cao hơn chi phí để giữ một khách hàng cũ. Vì vậy, mô hình định giá theo Currency rất thú vị.

3.Community – Kích hoạt cộng đồng: Sau khi dựa vào chữ C đầu tiên, Co-creation, dựa vào thông tin từ cộng đồng để đưa ra những cải tiến, những sản phẩm mới, thì chúng ta phải đi tiếp cận lại chính cộng đồng của mình. Vì sản phẩm mới được tạo ra dựa trên nhu cầu của cộng đồng này, cho nên họ sẽ là những người dễ dàng đón nhận sản phẩm mới. Cộng đồng này sẽ tạo nên những người dùng đầu tiên và dần dần lan truyền sang các cộng đồng khác.

4.Conversation – Thảo luận: Việc thảo luận của khách hàng vô tình sẽ trở thành một kênh quảng bá sản phẩm của mình. Khách hàng thảo luận với nhau, chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Những người xung quanh họ sẽ nghe được những câu chuyện đó, hoặc sẽ được giới thiệu sử dụng sản phẩm. Đó chính là một kênh quảng bá cho doanh nghiệp.